x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

Điểm yếu cố hữu của phim Việt: Kịch bản, kịch bản và kịch bản

Hoa Le 12:30 - 06/08/2021

Những năm trở lại đây, điện ảnh Việt có bước chuyển mình ngoạn mục. Chưa bao giờ, phim nội địa lại chiếm ưu thế nhiều đến vậy ở phòng vé. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy niềm tin của khán giả trong nước đối với một sản phẩm cộp mác Việt Nam. Thế nhưng, là một người yêu điện ảnh, tôi vẫn trăn trở nhiều điều về phim Việt, liệu chỉ cần cán mốc trăm tỷ, bội thu phòng vé là đủ? Vậy đến khi nào, Việt Nam mới có một chiến mã thực thụ để khoe với bạn bè quốc tế. 

 Trong khi điện ảnh nước ngoài đã đi trước chúng ta hàng chục năm và có những thành tựu đáng nể, phim Việt Nam vẫn chỉ chăm chăm kiếm tiền và đi xào lại (remake) kịch bản nước ngoài. Sự đó khiến tôi càng nhận ra một điểm yếu cố hữu, khiến điện ảnh Việt không lên hương được đó chính là kịch bản. 

Nhiều người sẽ cho rằng phim Việt không vươn ra thế giới vì kém đầu tư, vì chính sách của quốc gia chưa cho phép. Song đối với tôi, dù một bộ phim có hoành tráng, được tạo điều kiện hết mực, nhưng nếu nội tại nó chưa hoàn thiện, thì sớm muộn gì, phim cũng sẽ chết. 

Bão “xào phim” và cơn khát ý tưởng nguyên bản đặc sắc

Nếu lấy doanh thu làm thước đo của một bộ phim thành công, thì cho đến thời điểm hiện tại, tôi tin rằng “Câu lạc bộ trăm tỷ” có vô số cái tên đáp ứng đủ điều kiện này. Nhưng cùng tôi đếm xem có bao nhiêu bộ phim được xào lại (remake) từ phim nước ngoài trong số 20 cái tên đầu tiên. 

Từ bộ phim đầu tiên cán mốc trăm tỷ của Việt Nam đầy ấn tượng là Em Là Bà Nội Của Anh, cặp đôi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Phan Gia Nhật Linh tiếp tục làm lại Tháng Năm Rực Rỡ, Tiệc Trăng Máu. Những bộ phim trên đều trung thành tuyệt đối với kịch bản gốc hay phiên bản do người Hàn sáng tạo. Nên sự thành công của những bộ phim này khiến tôi dành nhiều lời cảm thán cho nhà làm phim của… Hàn Quốc nhiều hơn, bởi dù ở đâu, kịch bản của họ vẫn xuất sắc và khiến khán giả thích thú.  

Nhưng đâu cần công khai remake phim Việt mới dựa vào cái bóng thành công của nước ngoài. Thực tế, kịch bản - chìa khóa thành công của Giao Lộ Định Mệnh (Victor Vũ), nhưng đâu khó để nhận ra bộ phim này “học hỏi” 70% từ Shattered. 

Hay trong cảnh giới thiệu nhân vật của Diễm My 9X trong Cô Ba Sài Gòn, tôi đã phải giật mình vì nó quá giống với The Devils Wears Prada - bộ phim thời trang khiến tôi mê đắm. Sự giống nhau này liệu là trùng hợp hay có sự vay mượn ý tưởng?

Hai bộ phim mới đây là Song Song (2021)Bằng Chứng Vô Hình (2019) cũng được làm lại từ Blind (2011) hay Mirage (2018). Mặc dù đã cố gắng để  làm mới mình, nhưng những sáng tạo của 2 bộ phim này đều không thành công. Đều thuộc thể loại phim giật gân - dòng phim vốn cần sự thông minh, chặt chẽ và phức tạp, thế nhưng cả 2 bộ phim này đều đánh mất điều đó. Cá biệt như Bằng Chứng Vô Hình của Trịnh Đình Lê Minh, không hiểu vì lý do gì mà nhân vật phản diện vốn luôn được giấu kín danh tính (kể cả trong bản gốc của Hàn) để tạo sự bí ẩn, bất ngờ thì lại được phim quảng cáo rầm rộ và lộ ngay từ những giây phút đầu của phim. 

Ngay cả đến những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm truyện nổi tiếng như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc hay Cô Gái Đến Từ Hôm Qua được làm bởi những đạo diễn có tiếng như Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh vẫn là một sự trung thành tuyệt đối với truyện gốc quá đình đám. Sức sáng tạo của họ bất lực trước một tác phẩm truyện đã quá ấn tượng hay đó là một sự thỏa hiệp?

Hãy nhớ rằng, tác phẩm Shutter Island đình đám của Martin Scorsese cũng được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Dennis Lehane. Nhưng cho đến giờ, dù sau bao nhiêu lần xem lại, bộ phim vẫn khiến tôi không ngừng suy nghĩ và đẩy tôi lạc vào thế giới của nỗi sợ, sự hoang mang đặc quánh, như thể bản thân đang sống trong từng mảnh ký ức đen tối của trại Dachau. 

Hay Gone Girl của David Fincher, No Country For Old Men của anh em nhà Coen, American Psycho của Mary Harron đều là những bộ phim khiến tôi mê đắm. Dù được chuyển thể, nhưng cách các đạo diễn xây dựng kịch bản hết sức khác nhau. Họ tạo ra từng chi tiết tinh tế, lồng ghép với nhau như những mắt xích ăn ý, trơn tru để đẩy cảm xúc của tôi lên đến tột độ. Để rồi lần nào xem, tôi cũng phải há hốc mồm kinh ngạc, chân rung bần bật vì suy nghĩ và run sợ theo nhân vật rồi vỡ òa trong những cơn giật mình thon thót.

Song dù thế nào, chúng ta vẫn phải thừa nhận một điều rằng, phim Việt đang thiếu đi những kịch bản gốc hay và những ý tưởng nguyên bản đặc sắc. Chưa có một ý tưởng kịch bản nào của Việt Nam đủ đặc sắc và sức nặng để chinh phục những người yêu nghệ thuật trong nước lẫn nước ngoài. Khi chúng ta vẫn còn loay hoay đi tìm một ý tưởng mới, thì nước ngoài đã chạy xa hàng thập kỷ. 

 >>> Xem thêm:  Thiên Thần Hộ Mệnh: Yếu tố kinh dị nửa vời, giật gân thì quá non

Sự gai góc, cực đoan và khắc nghiệt là điều xa xỉ với kịch bản phim Việt

Nhìn vào nền điện ảnh thành công nhất châu Á thời điểm hiện tại là Hàn Quốc, phim Việt dường như còn cách rất xa. Đến khi nào Việt Nam mới có một Parasite (2019) như của Bong Joon Ho có đủ sức chạm tay vào Oscar, Cannes. 

Đến khi nào phim nội địa mới có thể sánh ngang với tác phẩm của người Hàn, tôi nghĩ chẳng ai có thể trả lời cho điều này. Bởi kịch bản phim Việt vẫn luôn thiếu đi sự cực đoan, gai góc và khắc nghiệt, thứ đem một nền điện ảnh sinh sau đẻ muộn như Hàn Quốc vẻ vang với thế giới. 

Thứ họ làm đó là chạm tay tới những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều bộ phim của Hàn Quốc khai thác chủ đề mới lạ, góc nhìn thú vị, họ tiếp tối giữa lịch sử - truyền thống với những xung đột trong xã hội để tạo ra những tác phẩm chấn động và thâm sâu.

Park Chan Wook có Oldboy, The Handmaiden đều là những siêu phẩm ám ảnh tôi. Bong Joon Ho có 2 bộ phim cực phẩm là Memories Of Murder, Mother giật gân, hồi hộp đến tột cùng. Kim Jee Won có I Saw The Devil bạo lực chẳng kém Se7en của David Fincher. Lee Chang Dong với Peppermint Candy - bộ phim có thể khiến tôi chết lặng ngay từ những giây phút đầu. Kim Ki Duk - gã đạo diễn quái kiệt tựa như Lars Von Trier của Hàn, bất cứ bộ phim nào của ông cũng khiến tôi sởn da gà. 

Cái hay của phim Hàn có lẽ là sự cực đoan và khắc nghiệt được thể hiện rất rõ trong 2 khía cạnh: tình dục và xung đột giai cấp. Đôi khi, sự thái quá ấy khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, khó thở và bức bối, nhưng rồi các đạo diễn như hiểu được điều đó, đẩy người xem lên đến tận cùng cảm xúc, rồi bóp nghẹt họ. Tôi tự hỏi đến khi nào điện ảnh Việt Nam mới có những tác phẩm thực sự nghiêm túc, không né tránh những chủ đề gây tranh cãi, thậm chí là thách thức người xem. 

Ngay cả khi có được một ý tưởng tạm ổn, thì phim Việt cũng vấp ngã bởi cách triển khai kịch bản rối rắm, lóng ngóng và chất lượng đạo diễn mù mờ. Từng được quảng cáo rầm rộ, nhưng Lôi Báo (Victor Vũ) là một bộ phim giật gân thất bại khi kịch bản quá nhàm chán, tình tiết thiếu thuyết phục. Người Bất Tử cũng là một bộ phim của Victor Vũ, tôi từng khen ngợi hết lời về thiết kế mỹ thuật của tác phẩm này. Thế nhưng phần nhìn đẹp không thể biến một bộ phim trở thành tác phẩm ấn tượng nếu nó sở hữu một kịch bản dàn trải, thiếu sự kết nối giữa các tuyến nhân vật. Tôi không có đủ lý do để đồng cảm được với câu chuyện của hầu hết các nhân vật chính.

Liệu tương lai nền điện ảnh Việt nên trao tay ai, vị đạo diễn nào sẽ là người sẽ phá bỏ những bức tường cố hữu kia để mở đường cho phim nội địa. Sau miếng “giả cầy” - thriller nửa mùa của Victor Vũ với Thiên Thần Hộ Mệnh, tôi đã cảm thấy thất vọng đến như thế nào. Đáng lẽ vị đạo diễn này đã có thể mạnh tay hơn, đẩy sự cuồng tín lên mức độ cực đoan, nhưng đang đi đến nửa đường thì anh cho mọi người “quay xe”. Bảo sao tôi không hụt hẫng cho được. 

 >>> Xem thêm: Ròm: Những số phận xoay vần trên những con số may rủi

Dẫu vậy, sau thành công của Bố Già của Trấn Thành, Ròm của Trần Thanh Huy hay Vị của Lê Bảo và sự trỗi dậy của hàng loạt phim Việt thời gian gần đây, chúng ta vẫn có thể nhìn về tương lai với sự lạc quan. Bởi tôi biết, Việt Nam đang sở hữu một lớp đạo diễn trẻ, đầy nhiệt huyết, tài năng và đặc biệt là được đào tạo bài bản. Hành trình của him Việt dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng sẽ hoàn toàn xứng đáng để tạo ra những giá trị mới, giúp nâng tầm điện ảnh nước nhà.

*Bài đóng góp của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net

Phim Chiếu Rạp là chuyên mục mà chúng mình khai thác đặc thù về tất cả các phim đã đang và sắp chiếu. Nơi bạn có thể tìm kiếm mọi thứ về điện ảnh từ các bài tham khảo, phân tích, đánh giá, nhận định đến bàn tán, cung cấp thông tin… một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu nhất. Là một “mọt phim” có tâm, chúng mình sẽ mang đến cho các bạn những bài viết hay và thú vị nhất.

Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Lindo

Lindo

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.

Lan Phương bụng bầu 6 tháng, rạng rỡ trong ngày ra mắt phim Kẻ Ăn Hồn

Đức Nguyên

Đức Nguyên

Vượt qua nhiều vòng kiểm định chặt chẽ, Kẻ Ăn Hồn cũng đã chính thức được công chiếu tại các rạp trong toàn quốc, phục vụ những fan của dòng phim kinh dị.

Người Mặt Trời: Được đánh giá giống Chạng Vạng nhưng vẫn có điểm riêng

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim Người Mặt Trời gợi nhắc đến siêu phẩm Hollywood Twilight trên một số phương diện, nhưng vẫn có những điểm riêng biệt để tạo ra dấu ấn riêng.

"Các bậc cao niên" diễn xuất đỉnh làm bảo chứng cho Kẻ Ăn Hồn

Đức Nguyên

Đức Nguyên

NSND Ngọc Thư, NSƯT Chiều Xuân và nghệ sĩ Viết Liên, những "cây đa cây đề" màn ảnh Việt tiếp tục xuất hiện trong Kẻ Ăn Hồn sau Tết Ở Làng Địa Ngục.

Thảm đỏ Người Mặt Trời: Chi Pu - Trịnh Thảo so kè độ vẻ quyến rũ

Hải Lệ

Hải Lệ

Tại buổi họp báo Người Mặt Trời, Chi Pu, Thuận Nguyễn, Trần Ngọc Vàng, Trịnh Thảo đón chào những khách mời đầu tiên khám phá thế giới ma cà rồng.