x

Đăng nhập

Comming soon...

Blog Phim

Khác

Incantation, The Medium và những bộ phim kinh dị giả tài liệu đáng sợ

Bánh Đúc 19:00 - 12/07/2022

Được trở thành một phần của các nhân vật, sống trong nỗi sợ hãi của họ hoặc nếm trải những gì nạn nhân đã trải qua…là cảm giác mà những bộ phim kinh dị được quay dưới hình thức giả tài liệu (found footage) tạo ra cho mình.

Found footage là thực tế là một hình thức chung, chứ không hẳn là một nhánh riêng của dòng phim kinh dị như mọi người đã nghĩ. Hay nói cách khác, đây là phương thức làm phim mà nội dung chủ yếu được kể lại thông qua các máy quay cầm tay truyền thống, kèm theo đó là lời dẫn của các nhân vật như một dạng phỏng vấn hoặc tự thuật. Đặc biệt, mình sẽ được trải nghiệm toàn bộ nội dung phim thông qua góc nhìn của nhân vật.

Những bộ phim được quay dưới dạng found footage thường có cấu trúc như một phim giả tài liệu, bản tin, đoạn băng được quay từ camera an ninh hay máy quay gia đình. Đây như là một biến thể của điện ảnh, cho phép mình trải qua các sự kiện và cảm xúc mà nhân vật chính trải qua. 

Điều này không chỉ tăng tính thực tế và thú vị, mà còn giúp bản thân mình dễ dàng định hướng được cảm xúc khi xem phim.

Ở bài viết này, Bánh Đúc sẽ điểm qua một số tác phẩm kinh dị được quay dưới hình thức giả tài liệu để mọi người có thể thưởng thức vào cuối tuần nhé!

Incantation (Chú Nguyền)

Được phát hành vào ngày 8 tháng 7 vừa qua trên nền tảng Netflix, Bánh Đúc thấy Incantation nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người, bằng chứng là sau 1 ngày phát hành, bộ phim được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Incantation xây dựng thế giới tâm linh kỳ bí thông qua những khía cạnh tôn giáo, thờ tụng, tín ngưỡng. Xuyên suốt thời lượng phim là những gì diễn ra quanh quá khứ và cuộc sống hiện tại của Lý Nhược Nam. 

Chuyện kể vào 6 năm trước, cô cùng đội săn ma đã phạm phải những điều cấm kỵ liên quan đến tôn giáo tại một địa đạo cấm. Ngay lập tức những người xung quanh cô đều bị thiệt mạng bởi lời nguyền tai ương, còn Nhược Nam thì chịu sự dày vò của bản thân và liên luỵ đến con gái mình.

>>> Xem thêm: Incantation: Gây hoảng không khác gì The Medium, không nên xem 1 mình

The Medium

Phim theo chân một nhóm các nhà làm phim tìm hiểu văn hoá bà đồng tại một vùng quê Thái Lan. Trung tâm của câu chuyện là gia đình của bà đồng Nim, một gia đình có truyền thống bà đồng được kế thừa qua các thế hệ. The Medium dần có những chuyển biến cao trào khi cô cháu gái Mink bị ám bởi một thế lực tâm linh, vô hình. Từ đây phim dần bóc tách những bí mật đen tối trong quá khứ của gia đình.

Với mình thì đây là tác phẩm ám ảnh nặng đô nhất bởi không chỉ những chất liệu Á Đông đời thường mà ta có thể bắt gặp bất cứ lúc nào, The Medium còn khai thác những khía cạnh tâm linh trong việc thờ cúng. 

Hơn nữa bối cảnh và màu phim cũng ẩn chứa nhiều chi tiết được cài cắm, ẩn dụ cho những quả báo mà kiếp trước gia đình bà Nim gây ra. Vì vậy cá nhân Bánh Đúc thấy nếu cần tìm ngay một tác phẩm châu Á thuần túy mang màu sắc tâm linh, siêu nhiên thì The Medium là bộ phim khiến bạn hài lòng.

Noroi: The Curse

Phát hành vào năm 2005, thời điểm vàng của các tác phẩm kinh dị, Noroi: The Curse mang một màu sắc cổ điển đặc trưng của những tác phẩm cùng thể loại do Nhật Bản sản xuất. 

Noroi: The Curse xây dựng theo xu hướng “slow-burn”, tức là đòi hỏi mình phải kiên nhẫn xem đến phút cuối cùng vì ở nửa đầu phim mọi thứ cứ chầm chậm, rất dễ chán nản và có thể thấy mọi tình tiết dường như rời rạc. Tuy nhiên, mấu chốt chính lại nằm ở nửa sau khi nhịp phim ngày một gay cấn, “tăng tốc” cực kỳ.

Đây là tác phẩm được giới phê bình đánh giá là một trong những bộ phim giả tài liệu hay nhất của Nhật Bản. Chuyện kể về Masafumi Kobayashi, một phóng viên chuyên đi phóng sự về những hiện tượng siêu nhiên. Một ngày nọ, anh đến một thị trấn nhỏ mà tại đây người dân luôn nghe thấy những âm thanh kỳ lạ như tiếng trẻ con khóc. 

Từ đây mọi vấn đề ngày càng trở nên kịch tính hơn khi bộ phim tiếp tục đề cập đến nhân vật Kana, cô bé có khả năng nhìn thấu và vẽ lại chính xác hình vẽ bị ẩn cho đến khả năng tạo ra nước từ một chiếc bình kín. Tưởng chừng hai câu chuyện tách biệt nhau hoàn toàn, nhưng lại đều có sự liên kết thông qua những thế lực siêu nhiên, bí ẩn.

Noroi: The Curse có thể xem là tác phẩm giúp Bánh Đúc rèn luyện sự kiên nhẫn, bởi khi xâu chuỗi mọi thứ lại với nhau, mình nhận ra gần 2 tiếng đồng hồ không có bất kỳ chi tiết nào là thừa thãi. Chính vì vậy, đến nửa thời lượng sau mình cá chắc mọi người sẽ há hốc mồm bởi diễn biến của bộ phim.

As Above, So Below

Một tác phẩm được quay dưới dạng found footage quen thuộc với những mọt phim kinh dị như mình là As Above, So Below. Nếu là người sợ chứng không gian hẹp, thì bạn không nên xem bộ phim này đâu nhé! Vì hầu hết các cảnh quay đều được ghi hình trong một hầm mộ ở sâu dưới lòng đất. Mặt khác sẽ có những phân đoạn các nhân vật buộc phải luồn lách cơ thể qua những khe đá chật hẹp, không gian ngột ngạt, thiếu oxi.

As Above, So Below theo chân đoàn thám hiểm của Scarlett, một nhà khảo cổ nhiều kinh nghiệm với ước mơ tìm ra được hòn đá nổi tiếng của nhà giả kim Nicolas Famel. Những manh mối đưa cô và cả nhóm đến với thành phố Paris, tìm tới những hầm mộ sâu phía bên dưới lòng đất. 

Nhưng thay vì tìm thấy viên đá huyền thoại hay ngọc ngà châu báu, các thành viên trong đoàn lần lượt bỏ mạng bởi những thế lực ma quái. Trong khi không có bất kỳ một lối thoát nào cho họ, các nhân vật chỉ còn có thể đi tiếp sâu xuống dưới với hy vọng sống sót cực kỳ mong manh.

Host

Tuy chỉ là một tác phẩm được sản xuất bởi một kinh phí cực kỳ “èo uột” cùng dàn diễn viên mới toanh, nhưng Host là tác phẩm duy nhất chiếm trọn số điểm 100% từ trang Rotten Tomatoes với những đánh giá tích cực, khen ngợi kịch bản chỉn chu, đầu tư bối cảnh hoàn hảo, đủ khiến mình phải tò mò, sợ hãi muốn biết thế lực nào đang thao túng hội bạn này đây!

>>> Xem thêm: The Black Phone và những bộ phim kinh dị "nặng đô" của nhà Blumhouse

Host lấy bối cảnh khi đại dịch bùng phát mạnh khiến xã hội cách ly hoàn toàn, Haley và những người bạn cùng tạo một phòng chat thông qua ứng dụng Zoom để trò chuyện. Ngày hôm đó, cả nhóm cùng rủ nhau chơi cầu cơ online thông qua sự giúp đỡ của một bà đồng am hiểu về việc giao tiếp với linh hồn. 

Tuy nhiên, nó nhanh chóng trở thành một thảm họa khi họ nhận thấy những hiện tượng kỳ lạ bắt đầu diễn ra ngay trong chính căn nhà của mình.

[REC]

Khác với những tác phẩm về xác sống, thây ma quen thuộc như World War Z, Train To Busan, I Am Legend, Walking Dead… bộ phim [REC] của đạo diễn Paco Plaza và Jaume Balaguero sẽ đưa bạn đến những gì chân thật nhất trong bối cảnh zombie. Hơn nữa, cảnh kết thúc của phim xứng đáng là một trong những màn kết “ăn tiền”, kinh điển nhất của dòng phim kinh dị.

Được trình bày dưới thể thức giả tư liệu, tức là mọi thứ mà bạn nhìn thấy đều thông qua một cái máy quay cầm tay. Vì lẽ đó mà [REC] cho mình tận hưởng cảm giác rung lắc, góc nhìn bó hẹp, sống động và chân thật hệt như người trong cuộc vậy.

[REC] kể về nữ phóng viên Angela thực hiện một phóng sự ngắn, nói về ca trực đêm của lính cứu hỏa. Mọi việc diễn ra tưởng chừng suôn sẻ, mãi cho đến khi trạm cứu hỏa nhận được một cuộc gọi cấp cứu. Hai phóng viên truyền hình theo chân lính cứu hỏa để làm phóng sự về những ca gác đêm nhưng rồi họ lại bị kẹt lại trong một khu chung cư tối tăm. Điều đặc biệt là nơi đây đang ủ một chứng bệnh dại, khiến tất cả dân cư đều trở nên cuồng loạn và thèm “huyết tươi” của người.

V/H/S

Điểm đặc biệt của V/H/S chính là cùng 1 chủ đề nhưng lại khai thác thành 5 câu chuyện trong 5 đoạn băng không hề liên quan nhau, nhưng nó lại tạo cho mình trải nghiệm rùng rợn như được xem 5 bộ phim kinh dị độc lập.

V/H/S kể về một băng nhóm được thuê bởi một tổ chức bí ẩn để lấy đoạn phim đang giấu ở một ngôi nhà. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, họ nhìn thấy một cái thi hài vô hồn ngồi đối diện với một dãy TV và bị bao quanh bởi hàng tá cuộn băng VHS. 

Để tìm được cuộn băng theo lời cấp trên, nhóm này phải xem từng nội dung một. Chính vì vậy họ được chiêu đãi những thước phim kinh dị bậc nhất “mà có cho cũng không dám xem lại”.

The Visit

Với phong cách “tung hỏa mù” đánh lừa khán giả của đạo diễn M. Night Shyamalan, The Visit như kéo mình tham gia vào câu chuyện gia đình của hai chị em Rebecca và Tyler Jamison trong chuyến viếng thăm ông bà ngoại, mãi cho đến khi cái kết hạ màn, mọi tình tiết đều được “quay” một cách không thể nào mượt hơn!

Cốt truyện của The Visit trông khá đơn giản nhưng lại được phát triển cực kỳ tốt. Hơn nữa với bàn tay nhào nặn tỉ mỉ của Shyamalan, các góc quay được hiện lên khung hình một cách hợp thức hóa và đẹp hơn.

Xuyên suốt The Visit là sự luân phiên của hai mốc thời điểm: buổi sáng và buổi tối trong 5 ngày của chị em Rebecca. Mỗi ngày dần qua đi đều để lại vô vàn những khúc mắc khi hàng loạt những hành động kỳ quái của ông bà ngoại đều bắt đầu sau 9 giờ rưỡi tối.

Unfriended

Góc quay và tất cả chuyển động chỉ gói gọn thông qua một chiếc camera đặt trên các màn hình máy tính, Unfriended là tác phẩm kinh dị được quay dưới dạng giả tài liệu mà Bánh Đúc muốn giới thiệu đến mọi người. 

Câu chuyện bắt đầu bằng buổi chat Skype tưởng chừng bình thường giữa cô nữ sinh Blaire Lily, cậu bạn trai Mitchie cùng nhóm bạn thân; cho đến khi một tài khoản lạ tìm cách liên kết với họ. 

Song song đó, trang Facebook cá nhân của Laura Barnes – cô bạn thân vừa mất, cũng sáng đèn và bắt đầu gõ phím trò chuyện. “Kẻ lạ” này yêu cầu cả nhóm chơi những trò chơi oái oăm và bệnh hoạn, từ đó hé lộ dần dần bí mật đen tối nhất của từng người, cũng như “tội lỗi” của họ đã dẫn đến án mạng của Laura.

Bánh Đúc đánh giá cao sự nỗ lực cũng như cách khai thác, nắm bắt được bản chất của cộng đồng mạng kèm những hệ lụy và đưa vào tác phẩm. Xuyên suốt 92 phút không có bất kỳ chi tiết rùng rợn đến từ những “chất siro đỏ” quen thuộc nào, mà nỗi sợ chính là sự quan ngại về khả năng vô hạn của những “anh hùng bàn phím”. Chúng lợi dụng điểm yếu và sơ hở của nạn nhân để tấn công tinh thần họ. 

Thông qua Unfriended, đạo diễn Stephen Susco cũng đã chứng minh được: “Internet là một thứ cực kỳ đáng sợ”.

Paranormal Activity

Phát hành vào năm 2009, được đánh giá là tác phẩm ăn khách nhất trong năm khi tất cả mọi diễn biến trong phim đều được ghi hình lại bằng những chiếc máy quay phim truyền thống, Paranormal Activity trở thành thương hiệu gây sốt khắp các phòng vé trong thời điểm đó.

>>> Xem thêm: Mười 2: Ôn lại về Mười 2007 trước khi xem bản nặng đô hơn

Bánh Đúc còn nhớ đây là một trong những bộ phim tốn ít kinh phí nhất mà Blumhouse đã từng thực hiện. Chỉ với 100 triệu USD, Paranormal Activity mang đến sự tối giản trong khâu dàn dựng và thực hiện các cảnh quay, nhưng mọi thứ đều diễn ra đủ khiến bạn phải “trùm mền” và ám ảnh bởi chính căn nhà trong phim.

Paranormal Activity nói về một gia đình bị ám bởi một thế lực quỷ dữ, khiến cho các thành viên bị khủng hoảng tinh thần và động tay động chân với nhau.

The Blair Witch Project

Cuối cùng là một trong những tác phẩm kinh dị đời đầu, được quay dưới hình thức found footage, có thể xếp vào hạng kinh điển bởi tất cả những gì diễn ra trong phim buộc mình phải thở gấp liên tục, sau đó lại thở phào vì cuối cùng cũng đã kết thúc. Điểm đặc biệt của bộ phim, chính là độ chân thật đến đáng sợ, bộ phim còn thành công khi gieo rắc sự tò mò và khiến mình tự phải khiếp đảm với những gì diễn ra trong phim.

The Blair Witch Project kể về hành trình thám hiểm khu rừng thuộc thành phố Burkittsville của một nhóm làm phim trẻ. Theo những người dân tại đây kể lại đã có rất nhiều chuyện kinh hoàng xảy ra, chẳng hạn như việc người dân tại Blair hành quyết một người phụ nữ hoặc một người đàn ông đem giấu 7 đứa trẻ trong vùng và ra tay với chúng tại nhà riêng…

Tất cả những huyền thoại này trở thành đề tài làm phim của cô sinh viên, Heather Donahue. Chính vì tham vọng của mình, Heather vô tình đặt bản thân cùng hai cộng sự đi cùng, vào vòng nguy hiểm của cánh rừng.

* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Phim bom tấn

Nếu bạn thích thể loại kinh dị, bí ẩn hay những câu chuyện chứa đựng thế lực siêu nhiên , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Incantation (Chú Nguyền)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Thanh Sơn đã có tình mới sau Khả Ngân, cực "ngọt" trong phim mới

Nối tiếp thành công của những "phim giờ vàng", VTV lại tiếp tục cho ra mắt một tác phẩm mới mang tên Mình Yêu Nhau Bình Yên Thôi từ nhà sản xuất SK Pictures.

Sinh Vật Gyeongseong: Park Seo Joon không cứu được nội dung nhạt nhòa

Mùa 1 của Sinh Vật Gyeongseong có diễn biến, nội dung vô cùng rời rạc. Có lẽ điểm gây ấn tượng duy nhất là visual "10 điểm" của những diễn viên trong phim.

Hãy nói lời yêu: Thước phim chữa lành của mỹ nam Jung Woo Sung

Nhân vật của Jung Woo Sung tìm cách vượt qua những trở ngại do khiếm thính để kết nối với mọi người trong bộ phim Hãy nói lời yêu (Tell Me You Love Me).

Welcome to Samdalri: Ji Chang Wook chữa lành khán giả

Welcome to Samdalri (Chào Mừng Đến Samdalri) mang đến tiếng cười và sự chữa lành cho người xem. Ji Chang Wook, người đóng vai Cho Yong Pil thu hút mọi chú ý.

Hôn nhân hợp đồng: Bộ phim xuyên không lãng mạn của Lee Se Young

Lee Se Young và Bae In Hyuk đem đến câu chuyện ngọt ngào và không kém ly kỳ ngay từ 2 tập đầu của Hôn nhân hợp đồng (The Story Of Park's Marriage Contract).

Tập cuối Thạch Sanh Lý Thanh: Ai là gà, ai là kẻ lùa gà?

Tập cuối của bộ phim chiếu mạng Thạch Sanh Lý Thanh khiến người xem thỏa mãn với kết thúc xứng đáng dành cho tất cả nhân vật.