Điều ước cuối cùng xoay quanh câu chuyện về Hoàng (Avin Lu), cậu học sinh 18 tuổi mắc chứng ALS (hay còn gọi là bệnh xơ cứng teo cơ một bên, là một bệnh thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh vận động trong não và tủy sống). Hoàng chỉ còn sống được thời gian ngắn. Cậu ước mình mất “zin” trước khi sang thế giới bên kia. Vì thương bạn nên Long (Lý Hạo Mạnh Quỳnh) và Thy (Hoàng Hà) lập kế hoạch tìm người yêu cho Hoàng, dẫn đến hàng loạt những chuyện dở khóc, dở cười.

Điều đầu tiên, tôi có lời khen ngợi bộ phim đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về giới tính theo cách khá dễ thương và không gợi cảm giác thô tục, có màu sắc tương tự các phim thuộc thể loại tuổi mới lớn (coming of age) của phương Tây như Submarine (2010), Stand By Me (1986). Những câu thoại hay tình tiết “người nhớn” được đặc tả tiết chế, giàu ẩn dụ, phù hợp với đối tượng khán giả thuộc thế hệ gen Z.

Điều ước cuối cùng mở màn đầy cảm xúc, rồi trở nên hài hước, kịch tính khi kế hoạch của hai bộ não non nớt và đầy nhiệt tình của Thy, Long bắt đầu được triển khai. Điều này tạo sự chú ý cho người xem, vì họ không biết được rắc rối sẽ xảy ra. Đạo diễn nắm bắt tốt đặc trưng của thể loại hài, liên tục chọc cười bằng loạt tình huống khoa trương song hợp lý khi đặt trong câu chuyện tình bạn, tình cảm gia đình.

Nhân vật Long có nhiều câu thoại và hành động “lầy” mà không kém phần dễ thương đúng tuổi. Việc cậu gọi bố mẹ của Hoàng là bố mẹ, cách mà cậu thuyết phục Trang (Katleen Phan Võ) gặp Hoàng hay những thời khắc phải đụng độ với băng nhóm của “đầu gấu học đường” Đại Dương (Hoàng Minh Triết) thể hiện sự hết lòng vì bạn bè.
Việc Long lần lượt bị no đòn bởi bố (Quốc Cường), Đại Dương, Thy, và cả vài cô bạn gái mà cậu muốn tìm cho Hoàng thể hiện rõ cá tính của một cậu học sinh ăn chưa no, lo chưa tới.

Nhân vật Thy có vẻ ngoài ngốc nghếch, còn trong lòng lại che giấu một bí mật. Đến thời khắc quyết định, cô trở nên rất tinh tế, nhạy cảm. So với Long tếu táo, thì sự vụng về của Thy lại đem cảm giác rất đáng yêu, gần gũi. Chẳng hạn như cảnh cô bé cùng Long với Sơn (Tiến Luật) vào tiệm massage phong cách Thái Lan mang đến tràng cười nghiêng ngả. Hoặc tình tiết cô bé vô tình xé rách áo của Trang cũng làm tôi nhớ mãi.

Phim sử dụng nhiều góc máy quay chậm (slow-motion) để nhấn mạnh vào sự thiếu kinh nghiệm, ngây ngô của các nhân vật khi lần đầu đối diện với việc hoàn thành một điều ước đậm tính hiện sinh của một cậu nhóc 18 tuổi. Thông điệp chữa lành về sự lạc quan, tâm sinh lý tuổi mới lớn, hay lòng tốt cũng thể hiện rõ nét thông qua hành trình tìm bạn gái cho Hoàng của bộ đôi Long - Thy.

Về mặt diễn xuất, tôi cảm thấy bất ngờ khi Lý Hạo Mạnh Quỳnh tỏ ra sinh động với những biểu cảm đáng yêu khiến tôi nhớ về những cậu bạn cùng lớp thời còn đi học phổ thông. Trong nhiều cảnh cảm động, Quỳnh diễn tự nhiên. Hoàng Hà cũng rũ bỏ hình tượng nhẹ nhàng, nền nã để trở nên cá tính, nghịch ngợm. Avin Lu quá phù hợp với hình ảnh "chàng thơ" học đường khi thể hiện được nét bi mà không lụy, đa cảm của Hoàng.

Còn trong dàn diễn viên đóng vai phụ huynh, tôi ấn tượng nhất là Tiến Luật và Đinh Y Nhung. Tiến Luật vẫn giữ vững phong độ chọc cười rất duyên, còn Đinh Y Nhung thể hiện được tròn trịa nét hà khắc của một nhà giáo. Ngoài ra, tuy xuất hiện ít nhưng Quốc Cường làm tôi cảm thấy hồi hộp mỗi khi xuất hiện vì dáng vẻ uy dũng, ngầu hay Kiều Anh “single mom” thì rất đời từ ngoại hình đến tính cách.

Hài hước, thanh xuân - vườn trường và tình cảm gia đình vốn là những thể loại thu hút đông đảo khán giả của điện ảnh Việt. Khéo léo pha trộn các chất liệu này, lại sở hữu dàn diễn viên có năng lực, ngoại hình sáng, Điều ước cuối cùng hứa hẹn lôi kéo người xem đến rạp.
Điều ước cuối cùng công chiếu Toàn quốc từ 4.7.2025.
* Bài viết của Nga Cao chia sẻ tại box Phim Việt
Facebook - bình luận