“Điều Ước Cuối Cùng” không tìm cách gây sốc bằng bi kịch, cũng không xây dựng mạch truyện với những cao trào kịch tính đẩy đến tận cùng. Thay vào đó, phim chọn hướng đi khó hơn một kịch bản tiết chế, nhẹ nhàng, nhưng luôn giữ được sợi dây cảm xúc liền mạch. Đạo diễn Đoàn Sĩ Nguyên, dù lần đầu cầm trịch một dự án điện ảnh dài hơi, đã cho thấy khả năng kiểm soát nhịp kể rất ổn định. Sự phân bổ các mảng miếng hài bi được tiết chế hợp lý, mang đến một nhịp phim “thở” đúng lúc, “nghẹn” đúng chỗ.

Kịch bản tận dụng tốt nguyên tắc “show, don’t tell”: những đoạn thoại ngắn, súc tích nhưng giàu tính gợi mở, các phân cảnh chuyển tiếp được chăm chút về cảm xúc nhiều hơn là sự kiện. Đặc biệt, motif “đi tìm bạn tình cho bạn sắp chết”, tưởng như có thể dễ trượt sang hướng gây hài phản cảm, lại được khai thác với sự tử tế và tỉnh táo. Nhờ đó, phim giữ được sự duyên dáng thay vì lố lăng, nhân văn thay vì sướt mướt.

Avin Lu tạo dấu ấn khi vào vai Hoàng – một bệnh nhân ALS với khả năng vận động hạn chế. Trong suốt bộ phim, anh gần như chỉ diễn bằng ánh mắt và biểu cảm khuôn mặt, nhưng lại truyền tải trọn vẹn những nỗi đau, khát vọng và cả sự lạc quan sống còn. Mỗi cái chớp mắt, cú nghiêng đầu hay cái cười mím môi đều được kiểm soát tinh tế, biến giới hạn thể chất thành chiều sâu cảm xúc.

Hoàng Hà trong vai Thy mang đến sự tự nhiên và tiết chế vừa đủ. Cô không cố nhấn mạnh cảm xúc mà để nó thấm dần qua từng ánh nhìn, hành động và khoảng lặng. Đặc biệt, những cảnh tương tác với mẹ hay chăm sóc Hoàng cho thấy một nhân vật nội tâm nhiều tầng, dám yêu và cũng dám hy sinh.

Lý Hạo Mạnh Quỳnh mang lại tiếng cười duyên dáng mà không làm lệch mạch cảm xúc. Anh thể hiện vai Long vừa hài hước vừa xúc động – người bạn dám làm mọi điều ngốc nghếch vì bạn thân. Diễn xuất linh hoạt giữa hài và bi giúp Long trở thành điểm cân bằng cho toàn bộ câu chuyện.

Sự kết hợp của ba diễn viên tạo nên một tổ hợp ăn ý, tự nhiên, không gượng gạo. Họ không cố gắng “diễn bạn thân”, mà tương tác như thể đã là bạn từ trước. Nhịp thoại, cử chỉ thân mật, những pha trêu chọc hay những lúc cùng im lặng – tất cả đều tạo nên một tổng thể mượt mà. Cảm xúc trong phim vì thế không bị rời rạc, mà liền mạch như chính tình bạn ba người: chân thành, khờ khạo và đầy thương mến.

Không chỉ là một bộ phim về tình bạn hay tuổi trẻ, “Điều Ước Cuối Cùng” còn là một lời nhắc về những điều ta thường lỡ bỏ, những cuộc gọi chưa thực hiện, những ước mơ tưởng nhỏ mà chưa từng dám chạm tới. Bộ phim không cố gắng truyền tải thông điệp một cách gượng ép, mà để các nhân vật tự sống, tự bộc lộ, để người xem tự chiêm nghiệm. Tính nhân văn của phim đến từ việc nó không mặc định “cái chết” là sự kết thúc, mà là điểm xuất phát cho những người còn lại bắt đầu nhìn lại mình.
“Điều Ước Cuối Cùng” như đang nhắc ta nhớ rằng: thanh xuân không được đo bằng số năm sống, mà bằng cách ta dám sống như thế nào, dù chỉ còn một tháng, một tuần hay một ngày.
* Bài viết của Trường Duy chia sẻ tại box Phim Việt
Facebook - bình luận