x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Việt

Em Và Trịnh: Nghe nhìn giàu cảm xúc nhưng kịch bản lưng chừng

Xì Bàng 09:35 - 11/06/2022

Em Và Trịnh có thể nói là tác phẩm điện ảnh gây trông đợi nhiều nhất tháng 6 này khi khai thác về cuộc đời của cố nhạc sĩ huyền thoại Trịnh Công Sơn và chiến dịch quảng bá không thể rầm rộ hơn. Tuy nhiên, Em Và Trịnh có lẽ xứng với danh xưng là một bản nhạc đẹp hơn là một bộ phim hay bởi chỉ thỏa mãn phần nghe nhìn chứ kịch bản thì lại ôm đồm quá thể. 

Những thước phim Em Và Trịnh mở ra qua cuộc gặp gỡ tại Paris của huyền thoại âm nhạc Trịnh Công Sơn và cô gái người Nhật là Michiko. Sau đó, để phục vụ cho luận văn về hành trình âm nhạc của Trịnh, Michiko đã đến Việt Nam và nhờ ông giúp đỡ. Sau hơn một năm ròng rã thuyết phục, Trịnh Công Sơn đã đồng ý giúp Michiko hoàn thành luận văn. 

Từ đây, Trịnh Công Sơn đã có cơ hội nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình qua những biến động thăng trầm lịch sử. Trịnh Công Sơn thuở hoa niên hiện lên qua sự gắn kết với các nàng thơ Bích Diễm, Dao Ánh, Thanh Thúy, Khánh Ly. Đó cũng là thời gian mà Trịnh Công Sơn ở tuổi xế chiều chiêm nghiệm về cuộc đời mình. 

>>> Xem thêm: Mối tình đẹp, vượt rào cản ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn và Michiko

Đầu tiên, điều ấn tượng nhất mà Em Và Trịnh mang lại cho tôi đó là một khung hình quá mới lạ. 

Khung hình vuông tỉ lệ 4:3 trải dài suốt phim gợi nhớ đến các cuộn phim nhựa của thế kỉ trước, hoàn toàn phù hợp với không khí thập niên những năm 60-80 đầy hoài cổ này. Tuy nhiên, tôi thấy đây cũng là điểm bất lợi nếu không may khi mọi người đã quá quen với màn chiếu hình chữ nhật. 

Các phối cảnh cũng dụng công tỉ mỉ đến từng chi tiết và đạt đến độ hoàn hảo trong mĩ thuật. Nó khiến tôi liên tưởng đến các sản phẩm như Mùa Hè Chiếu Thẳng Đứng của Trần Anh Hùng hay Mắt Biếc của Victor Vũ bởi lối dựng cảnh rất Việt Nam. Bối cảnh không chỉ nên thơ mà còn ác liệt và chân thực khi trải dài theo dấu chân của vị cố nhạc sĩ. 

Tuy là một tác phẩm hư cấu về cuộc đời Trịnh Công Sơn nhưng lại khắc họa được rõ nét không khí sục sôi của thời cuộc loạn lạc. Phim cũng dụng tâm lồng ghép nhiều thước phim tư liệu về các cao trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam. 

Một điều độc đáo nữa là ekip quá khéo léo khi có lối kể chuyện bằng ca từ âm nhạc. Đôi mắt Dao Ánh hiện lên qua những cú máy quay chậm trung cận, cận cảnh đi kèm với ca từ “màu nắng hay là màu mắt em” trở thành một hình dung không thể chân thực hơn. Ca từ của nhạc Trịnh vốn dĩ đã hay nhưng đi kèm với lối kể chuyện này thì còn ấn tượng gấp nhiều lần.

Rất nhiều ca khúc do Trịnh Công Sơn sáng tác đã được thể hiện trong phim tạo nên cảm xúc khó quên cho tôi trong rạp. Có lẽ, do giám đốc âm nhạc Đức Trí đã từng có mối quan hệ thân thiết với cố nhạc sĩ nên cách anh thể hiện âm nhạc cũng bình dị, mộc mạc như chính con người của nghệ sĩ tài hoa này. 

 >>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Phim có nhiều cái đẹp, nhưng đẹp nhất là các "em"

Cả dàn diễn viên đều là những giọng ca nghiệp dư (trừ Bùi Lan Hương) nhưng lại thể hiện ca khúc vô cùng cảm xúc, dù đơn sơ. Giọng hát và sự thể hiện của Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly dường như là quá hoàn hảo. 

Nàng tiên tóc Bùi Lan Hương đã làm nên một Khánh Ly vượt xa mong đợi của tôi với đôi mắt âu sầu, giọng ca đầy nội lực. Bùi Lan Hương sinh ra như để dành cho vai diễn này vậy, dù đây là vai diễn đầu tiên của chị. Trong từng lời thoại của Mai “đen”, cách nhấn nhá, nhả chữ đều thể hiện sự từng trải của người từng lỡ một lần đò.

Một diễn viên nữa dường như được sinh ra để làm nàng thơ đó là Hoàng Hà trong vai Dao Ánh. Đối lập với Khánh Ly cho Bùi Lan Hương thể hiện, Dao Ánh của Hoàng Hà được trời phú một khuôn mặt trong trẻo để trở thành cơn mưa rào trong cuộc đời Trịnh. Không cần cất lời thoại lên, chỉ với đôi mắt thôi Hoàng Hà cũng đã đủ  làm nên Dao Ánh. 

Xây dựng được hình ảnh đẹp đẽ và âm nhạc đã tai là thế nhưng yếu tố cốt lõi nhất là kịch bản thì Em Và Trịnh đã bỏ quên mất. Kịch bản tận dụng mọi cơ hội để các giọng hát cất lên nhưng lại quên rằng những vấn đề của cuộc đời Trịnh cũng cần được giải quyết. 

Âm thanh và hình ảnh có lẽ càng về cuối phim càng không giấu nổi sự lưng chừng, làm chưa tới của kịch bản. Trong suốt 136 phút, kịch bản mắc lỗi ôm đồm khi cố gắng thể hiện con người Trịnh Công Sơn giữa quá nhiều mối liên hệ. Nào là giữa các “em”, giữa âm nhạc và với thời cuộc đất nước. 

Và tôi thiết nghĩ, không phải chỉ có Avin Lu và NSƯT Trần Lực mà cần có thêm một diễn viên khác để thể hiện rõ nét 3 tính cách cho 3 giai đoạn cuộc đời Trịnh. 

Điều làm nên nét đặc biệt của cuộc đời Trịnh thực sự đó là tinh thần trong thời đoạn bom đạn cũng chỉ dừng lại ở mức sơ sài. Hoàn toàn không có lấy bất kì ca khúc nào đặc trưng được thể hiện ở những thước phim kể về giai đoạn này. 

Ngoài ra, một điều tiếc nuối nữa cho phim là xoay quanh cuộc đời Trịnh Công Sơn nhưng tôi thấy mọi tâm điểm và chính tôi đổ dồn về các “em” là nhiều.

Avin Lu dù đã cố gắng nhưng vẫn không làm toát lên được cái bóng quá lớn của Trịnh. Nét mặt anh vẫn ngây ngô, sượng sờ như ở Sài Gòn Trong Cơn Mưa năm nào. Trần Lực thì cố gắng thể hiện được nét chín chắn, “đàn ông” ở tuổi xế chiều nhưng kịch bản lại khiến anh trở nên lép vế trước cô gái trẻ Michiko.

Và có lẽ, vì mải mê cho đoạn dạo đầu nên về sau kịch bản càng lúc càng loãng. Nhịp phim cứ chậm dần rồi buông lơi cho mọi vấn đề chìm vào hư vô. Xử lí hình ảnh hay là thế nhưng các giai đoạn trong cuộc đời nhạc sĩ cũng bị cắt cúp chuyển mạch không có dụng ý gây ức chế cho bản thân tôi. 

Trình tự thời gian hồi tưởng quá khứ và hiện tại đan xen chồng chéo cũng khiến phim trở nên khó hiểu. Mối liên hệ giữa Trịnh và tuyến “em” cũng không được giải quyết trọn vẹn mà chỉ hiện lên như một đốm lửa cháy rồi lại tàn nhanh. 

Em Và Trịnh có lẽ một bản nhạc đẹp đẽ và nên thơ nhưng để trở thành một phim hoàn hảo về Trịnh Công Sơn thì chưa bởi bỏ rơi yếu tố cốt lõi là kịch bản. Với màn ôm đồm về đầu và chạy nước rút về sau, cái kết phim về sau lại trở thành một điều gì đó làm ai cũng phải tiếc thay cho những bản nhạc quá đẹp dạo đầu. 

* Bài viết của Xì Bàng chia sẻ tại box Mọt phim Review

Nếu bạn quan tâm đến phim Việt và muốn đọc review các phim chiếu rạp Việt Nam mới nhất , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Em và Trịnh? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.

Một Mình Vẫn Ổn't: Tình đầu tan chảy chậm rãi với nhiều dư vị

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim gây ấn tượng với cốt truyện đơn giản nhưng gởi gắm nhiều thông điệp sâu sắc cùng hương vị tình đầu tan chảy chậm rãi trong từng thước phim.

Đế chế Napoleon: Thiên sử thi hoành tráng nhưng còn nhiều thiếu sót

Nga Cao

Nga Cao

Joaquin Phoenix đầy mê hoặc khi hóa thân thành hoàng đế nước Pháp lừng danh trong siêu phẩm của Ridley Scott - Đế chế Napoleon.

Cô giáo em là số một: Thiện chiến thắng ác trong môi trường học đường

Nga Cao

Nga Cao

Cô Giáo Em là Số 1 - Brave Citizen: Quá trình “thực hiện công lý” của cô giáo trung học mang đến cho khán giả những cảm xúc sảng khoái và dễ chịu.

Yêu Lại Vợ Ngầu: Tiếng cười cũ kĩ, Kang Ha Neul là điểm cộng

Nga Cao

Nga Cao

Câu chuyện phim Yêu Lại Vợ Ngầu đem lại tiếng cười đơn giản và gần gũi với người xem, dù vẫn còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản.