Những năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam không ngừng khai thác hình ảnh những ông bố hiếu thảo với mẹ, hết lòng vì con cái và gia đình. Nếu như trước đây, Về Nhà Đi Con từng khiến tôi không ngừng rơi nước mắt trước hình ảnh bố Sơn hy sinh vì 3 cô con gái, thì đến Hương Vị Tình Thân cũng vậy. Thông qua hình ảnh của từng ông bố, tôi tin rằng mỗi khán giả sẽ nhìn thấy sự thân thuộc nào trong đó.
Trong tập phim mới nhất, đường đường là chủ tịch tập đoàn xây dựng lớn ở Hà Nội, ông Khang không ngại hủy cuộc họp trong phút chót để đến bệnh viện khi biết tin cụ Dần nhập viện cấp cứu. Ở ngoài xã hội, ông Khang chức cao vọng trọng, được kính nể thì khi đứng trước mẹ, ông vẫn là người con hiếu thảo. Người đàn ông hai thứ tóc ấy không ngần ngại cúi đầu cảm ơn Nam vì đã cứu giúp mẹ mình kịp thời.
Sau khi thuyết phục được vợ sang chăm sóc mẹ, ông Khang chẳng ngịa ôm gối sang phòng cụ Dần ngủ và nằm ngay dưới nền gạch cứng, lạnh lẽo. Để mẹ được ngủ ngon giấc, ông Khang dù cũng đã có tuổi, nhưng chẳng ngại khó, ngại khổ. Câu nói “Ngủ với vợ thì cả đời, có mấy khi con được ngủ với mẹ” của ông Khang làm tôi trào nước mắt lúc nào không hay.
Giữa cuộc sống xô bồ, bộn bề lo toan, mọi người mải chạy theo tiền tài danh vọng, lao đầu vào công việc mà quên mất thời gian của những người thân yêu trôi đi không lấy lại được. Thế nhưng ông Khang vẫn luôn hướng về mẹ, sắp xếp thời gian để về ăn cơm cùng mẹ.
Căn bệnh tuổi già khiến cụ Dần nhớ nhớ quên quên, có lúc tính cách đổi khách, nhưng ông Khang không vì thế mà thấy vướng bận, ghét bỏ mẹ, thay vào đó, ông thương cụ Dần hết mực. Lúc nào ông cũng cố gắng dỗ ngọt để vợ để bà Xuân chăm sóc và gần gũi mẹ, rồi cố gắng kéo cả gia đình lại với nhau để mẹ được tận hưởng cảm giác sum vầy, ấm áp.
Dù không có cuộc sống đủ đầy, giàu có như ông Khang, nhưng ông Tuấn - bố nuôi của Nam cũng là một người cha tuyệt vời. Không máu mủ ruột thịt với Nam, nhưng ông Tuấn sẵn sàng cưu mang và coi Nam như con ruột.
Bà Bích vợ ông thì 5 lần 7 lượt ghét bỏ rồi thậm chí để Nam bơ vơ giữa chợ, ông Tuấn sẵn sàng nổi điên và trách vợ. Biết vợ hay phân biệt đối xử với Nam, ông Tuấn luôn cố gắng để con gái được có cơm để ăn, quần áo để mặc như bao người.
Trong một lần cãi nhau với Nam, bà Bích không ngại nói ra sự thật rằng cô chỉ là đứa trẻ không cha không mẹ. Sự thật đau lòng này khiến Nam bỏ đi lang thang suốt đêm. Dù đang mắc bệnh ung thư, sức khỏe suy kiệt, ông Tuấn vẫn lật đật chạy đi tìm con gái. Tình yêu thương ông Tuấn dành cho Nam không chỉ đơn giản để báo ơn bố cô năm xưa, mà đó là tình cảm “khác máu nhưng không tanh lòng” xuất phát từ người cha tuyệt vời.
Còn với ông Sinh, sau khi được trả về cuộc sống tự do, ông luôn theo dõi cuộc sống của Nam nhưng không dám tiết lộ thân phận vì sợ ảnh hưởng đến con gái. Ngay cả khi nói được ra mình là bố ruột của Nam và cô một mực từ chối, ông cũng không hề oán trách.
Ánh mắt buồn rầu của ông Sinh khi nói với người chị rằng không muốn ép vì để con bé có cuộc sống tốt đẹp chắc hẳn khiến nhiều khán giả rung động. Kể từ đó, ông Sinh luôn bên cạnh Nam khi cô gục ngã, không ngại gây hấn với mọi người - theo cách giang hồ rất bản năng, chỉ để bảo vệ con gái.
>>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Dũng quay xe yêu Diệp, bị bà Bích xua đuổi
Mới đây, bố của Dũng - ông Tấn cũng mới xuất hiện. Tôi tin rằng người đàn ông này cũng đang muốn quay về để tìm con và bù đắp cho những năm tháng không thể chăm sóc cho Dũng cùng bà Sa.
Giờ ngâm lại mới thấy, Hương Vị Tình Thân là một bộ phim phiến diện lạ lùng. Trong khi những ông bố hết mực yêu thương gia đình, hiền từ, bao dung với con cái, hiếu thuận với cha mẹ thì những người phụ nữ lại tệ hết phần thiên hạ.
Bà Xuân là người mẹ yêu con nhưng đôi khi mù quáng, nhẹ dạ cả tin khiến cho những người như Nam bị tổn thương. Đối với mẹ chồng, bà Xuân luôn đặt ra thứ khoảng cách được gọi là mẹ chồng nàng dâu, để né tránh cụ Dần. Dù chồng có dỗ ngọt và hàn gắn, mẹ Long vẫn luôn bất mãn, chăm mẹ như một nghĩa vụ chứ không bao giờ lắng nghe và thấu hiểu cụ.
Trong khi đó, người bạn thân thiết cũng là thông gia của bà Xuân - bà Sa lại là người phụ nữ toan tính, mưu mô. Tôi đoán rất có thể Thy không phải con ruột của bà Sa, nên bà mới có thể đối xử với cô như một công cụ, luôn điều khiển cô tùy ý.
Để đưa con gái vào làm dâu nhà giàu hay ngăn cản Nam đến với Long, bà Sa không từ mọi thủ đoạn, xúi giục bà Xuân và Thy làm chuyện xấu xa, để hãm hại người khác.
Nhóm bạn của bà Xuân cũng đều là những người mẹ, nhưng ai cũng thực dụng, tính toán và tham lam. Mới đây, bà Liễu - dì Thiên Nga cũng lộ bản chất là người chuộng vật chất, khi không đạt được thì trở mặt như lật bánh tráng.
Cuối cùng là mẹ Nam - bà Bích. Mang tiếng là mẹ, nhưng bà Bích cả đời chỉ gieo tai họa và để Nam gánh tội. Từ việc đem sổ đỏ đi vay tiền để mua chung cư rồi bị lừa, cho tới gây sự với bà Sa phải đền 500 triệu, tất cả đều đổ lên đầu Nam, khiến cô phải còng lưng trả nợ. Đến cuối cùng, chỉ để bà Sa có tiền, Nam cũng phải ngậm đắng nuốt cay, nhận tội oan trước gia đình Long.
>>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân càng kéo dài drama càng vô lý khiên cưỡng
Đối với những bà mẹ làm người ta sôi máu bao nhiêu, thì các ông bố lại khiến tôi thấy thương bấy nhiêu. Sự tuyệt vời của họ không phải thứ gì xa vời mà ngược lại vô cùng gần gũi, thực tế, giống như được lấy từ hiện thực cuộc sống và dễ dàng chạm tới trái tim khán giả.
*Bài viết của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.
“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.
Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận