Trước sự lên ngôi của thể loại phim kinh dị trong những năm gần đây, mình thấy dường như The Invitation (Lời Mời Đến Địa Ngục) là một bộ phim khá mờ nhạt. Lời Mời Đến Địa Ngục tập trung quá nhiều vào việc cho thấy sự lộng lẫy của dinh thự và các phân cảnh lãng mạn nên những yếu tố khác được làm rất vội vã và qua loa.
Sự xuất hiện của Lời Mời Đến Địa Ngục khiến mình có cảm giác như một sự kết hợp nửa vời của những tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết gia người anh Charlotte Bronte và những bộ phim được sản xuất vào thập niên 60 của hãng Hammer (hãng phim được biết đến với loạt phim kinh dị và giả tưởng gothic).
Lời Mời Đến Địa Ngục là hành trình tìm kiếm gia đình của cô gái tên là Evie (Nathalie Emmanuel). Evie là cô gái mồ côi, sống lủi thủi một mình sau sự ra đi của người mẹ mà cô hết mực yêu thương. Cô luôn tò mò về quá khứ của mình. Bỗng một ngày, Evie nhận được một hộp quà bí ẩn có tên là ADN - Test Yourself. Sau đó Evie đến gặp người được cho là anh họ của cô - Oliver (Hugh Skinner) để kết nối với dòng họ của mình.
Sau buổi gặp mặt, Evie biết mình có liên quan đến một dòng tộc ở anh tên là De Villes qua lời của anh họ Oliver. Đồng thời, Oliver cũng ngỏ ý mời Evie đến một bữa tiệc cưới thân mật, xa hoa tại dinh thự của gia đình. Evie đến và choáng ngợp trước sự lộng lẫy của căn biệt thự. Bên cạnh đó, cô cũng phải lòng Walter (Thomas Doherty) - một chàng trai lịch lãm, quyến rũ cũng là chủ của dinh thự này.
Evie như đắm chìm vào giấc mơ dưới lớp ngụy trang của một gia tộc giàu có mà không biết rằng, những thứ rùng rợn nhất đang chờ đợi cô ở phía sau. Bữa tiệc mà Evie tham dự chẳng qua là bữa lễ tiếp đón và thanh trừng thành viên mới.
Mặc dù tôn trọng nỗ lực làm sống dậy thể loại phim kinh dị gothic và lồng ghép những ẩn dụ về tính chủng tộc, giai cấp và đặc quyền của nam giới từ đạo diễn Jessica M. Thompson và biên kịch Blair Butler, thế nhưng Lời Mời Đến Địa Ngục chưa thể mang đến cho mình một trải nghiệm trọn vẹn khi cách kể chuyện phim khá dài dòng, lê thê.
Lời Mời Đến Địa Ngục dành phần lớn thời lượng để cho mình thấy sự nguy nga, tráng lệ của dinh thự, nơi diễn ra những sự kiện thảm khốc, chôn vùi cả một gia tộc và những phân cảnh lãng mạn của cặp đôi Evie - Walter. Những cảnh này điểm cộng là góp phần tạo nên không khí phim đậm chất gothic và đưa mình về với những thước phim cổ điển của hoàng gia Anh.
Tuy nhiên, chính sự sa đà vào những cảnh quay này lại khiến mạch phim kéo dài mê man và phân bổ thời lượng không hợp lý. Quá tham lam trong việc tạo nên những thước phim đẹp đẽ, sang trọng và lãng mạn lúc đầu và dồn hết những điểm mấu chốt của phim vào vỏn vẹn 30 phút cuối khiến mình cảm giác vô cùng chưng hửng.
Trong Lời Mời Đến Địa Ngục, mình thấy được vẻ đẹp của căn dinh thự cổ điển ở nước Anh, những cách họ bày trí bữa tiệc, cách họ tận hưởng cuộc sống “không có gì ngoài điều kiện” và cả những màn tán tỉnh của Walter và Evie. Tất cả những thứ đó quả thật mang đến cho mình một trải nghiệm mới mẻ so với những bộ phim ra rạp trong khoảng thời gian gần đây.
Lời Mời Đến Địa Ngục khiến mình đắm chìm vào những cảnh quay và chú ý từng hành động, cử chỉ của nhân vật đến nỗi đôi lúc mình quên mất nội dung đang trôi đến đâu. Việc chú trọng vào hình ảnh đến mức bỏ quên nội dung và truyền tải gấp gáp ở cuối phim, với mình không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan.
>>> Xem thêm: Thủy Chiến Đảo Hansan: Tái hiện trận chiến khốc liệt bằng kỹ xảo ổn áp
Lời Mời Đến Địa Ngục cũng có khá nhiều điểm cá nhân mình thấy có phần chưa logic, chính vì thế nó làm cho mình giảm đi niềm tin vào nhân vật. Việc phải mất một khoảng thời gian khá lâu Evie mới có thể nhận biết được điều gì đang xảy ra trong khi dưới góc độ là một người xem, mình tin rằng chúng ta dễ dàng cảm thấy có gì đó bất ổn ngay từ khi nhân vật tiếp xúc với những người trong dinh thự là điều khó có thể chấp nhận.
Từ sự ra đi một cách mơ hồ của một thành viên trong gia đình cho đến sự bào chữa khập khiễng của những người còn lại về những thứ kỳ lạ xảy ra vào ban đêm ở tầng trên, tầng dưới, trong phòng ngủ, những người giúp việc có thói quen hễ cảm thấy khó chịu là biến mất,...chẳng lẽ Evie không hề cảm nhận được gì khi chính mình là người trực tiếp xuất hiện trong câu chuyện? Nếu thật sự là như vậy thì cách xây dựng những bước chuyển trong tâm lý nhân vật theo mình thấy có phần hơi chậm và chưa hợp lý.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc Evie nhận ra sự thật quá trễ như vậy, mình thấy cũng một phần đến từ những sai lệch trong việc xây dựng hình tượng ma cà rồng. Những ma cà rồng trong Lời Mời Đến Địa Ngục có thể ngang nhiên đi lại giữa ban ngày và làm những việc khác để dễ dàng thoát khỏi sự phát hiện. Điều này thật trái với thực tế về ma cà rồng. Nó cũng gây cho mình những lầm tưởng và rối rắm về gia tộc trong phim hơn.
Một điều mà mình nghĩ là điểm yếu của Lời Mời Đến Địa Ngục nữa chính là chính tốc độ dồn dập ở cuối phim đã khiến phong cách gothic và sự ly kì vốn dĩ là đặc trưng của dòng phim này trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết. Mình không còn cảm thấy tò mò hay nghẹt thở theo từng động thái của nhân vật, thay vào đó là sự chán chường vì dường như có thể đoán trước được tình thế.
Khi không còn quá nhiều thời gian nhưng lại phải giải quyết rất nhiều vấn đề, Lời Mời Đến Địa Ngục đã chọn cách lái câu chuyện của mình vào lối mòn không thể nhàm chán hơn với một cách dẫn dắt cũng không có gì mới mẻ. Cuối cùng, Evie đứng lên vì chính mình và triệt hạ những thành phần xấu xa trong ngôi nhà. Điều này khiến mình cảm thấy có hơi thở của nữ quyền. Tuy nhiên, với thời lượng có hạn, Lời Mời Đến Địa Ngục không thể đem đến cho mình một góc nhìn khác về vấn đề này.
Bỏ qua những lỗ hổng khó chấp nhận ở khâu kịch bản, những yếu tố khác trong Lời Mời Đến Địa Ngục, cá nhân mình thấy đều ở mức tạm ổn. Những góc quay không có quá nhiều bứt phá nhưng cũng đủ cho mình thấy sự lộng lẫy mà bối cảnh dựng ra. Mình thấy âm thanh trong phim vẫn chưa tận dụng những bản nhạc cổ điển để tăng không khí nhưng cũng không quá tệ để thưởng thức.
Về mặt ánh sáng, Lời Mời Đến Địa Ngục cũng sử dụng tone màu vàng là chủ yếu. Những vật dụng trong Lời Mời Đến Địa Ngục cũng được bày trí một cách tối giản, gọn vàng và chủ yếu chuộng gam màu nóng.
Về mặt diễn xuất, mình thấy Nathalie Emmanuel (vai Evie) và Thomas Doherty (vai Walter) đã thể hiện rất tốt nhân vật của họ. Mọi thứ đều được các diễn viên truyền tải bằng sự điềm tĩnh qua từng ánh mắt, cử chỉ, hành động. Những diễn viên khác cũng cho mình thấy được có gì đó bị ẩn thông qua những hành vi kỳ quặc của họ.
>>> Xem thêm: Vô Diện Sát Nhân: Tổng thể còn rời rạc, chất kinh dị đến từ âm thanh
Tóm lại, Lời Mời Đến Địa Ngục đã khiến mình chìm đắm vào một không gian quá lộng lẫy và mang đến một câu chuyện về gia tộc ma cà rồng mà lâu rồi mình chưa thấy xuất hiện trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, mình thấy lỗ hổng lớn nhất của phim là kịch bản chưa có sự logic và quá tham lam, ôm đồm vào việc xây dựng bối cảnh cùng những phân cảnh lãng mạn nên chưa bật lên được chất kinh dị.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim The Invitation (Lời Mời Đến Địa Ngục)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận